Kiến trúc Chùa Huế

Đặc điểm chung cho những chùa chiền ở Huế là không đồ sộ, xây cất tốn kém, sử dụng quá nhiều công của nhân dân như các ngôi chùa lớn ở phía Bắc (như chùa Trăm Gian, chùa Dâu…) hay quy mô to lớn như chùa Quỳnh Lâm (Ðông Triều), chùa Sài Nghiêm (Chí Linh), chùa Hồ Thiên (Kinh Bắc)...Nếp chùa Huế về cơ bản vẫn tiếp nối truyền thống ngôi chùa Việt Nam, nhưng tinh tế, không đồ sộ, khoa trương, ít rườm rà, không nhiều gian. Ngôi chùa là ngôi nhà rường bình dị, thân thiết, gần gũi dân gian.

Chính điện thường có 3 - 5 gian, 2 chái, cắt mái 2 tầng nên nhẹ nhàng, thanh thoát. Chái nhà hai bên dành cho phương trượng, trụ trì, giám tự. Tiếp theo chánh điện là chiếc sân trong bao quanh bởi thiền đường, tăng xá. Vườn chùa trồng cây ăn trái, bố trí tháp mộ các vị Tổ, trụ trì, tăng chúng, sau vườn là khu canh tác, trồng hoa màu.

Nội thất chùa bình dị, cân đối và không trang trí sặc sỡ. Ngoài bộ tượng Phật Tam Thế truyền thống, bên trái có tượng Quan Công, bên phải là Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Vào thời chấn hưng Phật giáo những năm 1950-1963, có cải cách lại hệ thống thờ tự: trước Tam Thế đặt thêm tượng Phật Thích ca, gian trái có Bồ tát Ðịa Tạng, gian phải có Bồ tát Quan Thế Âm, tả hữu thì vẫn đặt Kim cang, Hộ pháp.

Cách kiến trúc chùa viện theo kiểu chữ khẩu (囗), chữ nhất (一), chữ tam (三), chữ liễu (了); những tiền đường hay điện thờ làm kiểu nhà trùng lương (trùng thiềm điệp ốc) là kiểu đặc trưng của chùa Huế. Nóc chùa thường trình bày với các mô-tip lưỡng long chầu mặt nguyệt, lưỡng long chầu Pháp luân, các vật linh quy, phụng, lân, các kiểu hoa sen; mái lợp ngói âm dương có màu ảnh hưởng kiểu kiến trúc cung đình của các triều vua chúa để lại. Hoa sen, chữ vạn, hồi văn chữ vạn, lá sen, trái Phật thủ, lá bồ đề, Pháp luân, hải triều, hỏa luân, bầu cam lồ là những đề tài, những mô-tip thuần Phật giáo tạo cho chùa Huế có nhiều sắc thái độc đáo.